Miễn viện phí toàn dân

09/04/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Y Tế & Sức Khỏe
Miễn viện phí toàn dân

Tại Vương quốc Anh, việc khám chữa bệnh hầu hết là miễn phí, ngoại trừ một số bệnh hiểm nghèo. Với các bệnh thông thường, mỗi người chỉ cần trả một số tiền mang tính tượng trưng cho đơn thuốc.

Lần thăm khám đó của tôi là chuyện xảy ra 15 năm về trước. Thời điểm ấy, một số bệnh viện tại Việt Nam vẫn phải từ chối tiếp nhận và chữa trị người bị tai nạn giao thông vì thiếu giấy tờ tùy thân, không liên lạc được thân nhân, hoặc không có tiền đặt cọc. Tất cả rốt cuộc đều xoay quanh hai chữ "viện phí".

Tôi đã ao ước một ngày nào đó người Việt sẽ được hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội tốt hơn.

Vì vậy, khi đọc tin Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu định hướng tiến tới miễn viện phí toàn dân, ưu tiên đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cư dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các căn cứ kháng chiến cũ, vùng chiến lược, tôi rất xúc động và vui mừng. Trước đó không lâu, ông cũng từng công bố chính sách miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông.

Về quy mô, tổng chi tiêu cho dịch vụ khám chữa bệnh (bao gồm cả nhà nước và tư nhân) tại Việt Nam có thể trên 6% GDP mỗi năm. Vì vậy để có thể miễn phí y tế toàn dân, sẽ cần nỗ lực rất lớn cũng như các thay đổi trong kế hoạch thu chi ngân sách.

Hai chính sách vừa được công bố đã khẳng định mục tiêu đảm bảo các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân, được học hành và chữa bệnh. Những chương trình này, nếu được triển khai thành công, sẽ là nền tảng phúc lợi để người dân, đặc biệt là những người yếu thế, được sống tốt hơn với chi phí thấp hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30 đến 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Có thể nói, hai trong số những nhu cầu cơ bản là học hành và y tế đang trở thành rào cản lớn nhất trên con đường thoát nghèo và phát triển, nhất là đối với những hộ có thu nhập dưới trung bình.

Khi gánh nặng này được gỡ bỏ, trẻ em không phải bỏ học giữa chừng, người già không bị bỏ mặc khi ốm đau, người gặp nạn được cứu chữa kịp thời. Gia đình có thể tích lũy, đầu tư cho tương lai thay vì bị bần cùng hóa bởi học phí hoặc viện phí. Sự giải phóng áp lực tài chính trước mắt sẽ mở ra những cơ hội vươn lên.

Tại Việt Nam, GDP những năm qua tăng trưởng nhanh nhưng cũng lộ ra nhiều mặt trái cần quan tâm, chẳng hạn như vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Theo Báo cáo Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc năm 2025, Việt Nam hiện có chỉ số bất bình đẳng về thu nhập (Gini index) ở mức 36,1 - không cao nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong thập kỷ qua. Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số) có thu nhập bình quân đạt 10,23 triệu đồng mỗi người một tháng năm 2022, cao gấp 7,6 lần nhóm hộ nghèo nhất. Điều này cho thấy GDP tăng nhanh nhưng chưa mang lại sự phân bổ đồng đều lợi ích đến toàn xã hội.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, lòng tin xã hội có nguy cơ bị xói mòn. Trong bối cảnh đó, các nỗ lực "vì dân" là cách thiết thực nhất để "chia lại miếng bánh tăng trưởng", cũng như bồi đắp và củng cố niềm tin.

Khi chính sách công được thiết kế để phục vụ đại đa số, phân bổ và san sẻ lại lợi nhuận, đặc biệt cho nhóm yếu thế, thì niềm tin xã hội sẽ được khôi phục và củng cố. Chính vì thế, lấy nhân dân làm trọng tâm còn đóng vai trò như một "cơ chế kiểm soát và cân bằng mềm", là cách tiếp cận quản trị nhà nước, xuất phát từ nhu cầu thực tế và quyền lợi thiết thực của người dân, là chủ thể "đồng hành cùng phát triển". Những nỗ lực này của nhà nước cũng thể hiện một phương châm chính về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, thực hiện cam kết "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ngoài hệ thống NHS của Vương quốc Anh và nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng Việt Nam đã và đang triển khai chính sách miễn viện phí một phần hoặc toàn phần, như Cuba, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil. Đặc biệt phải kể đến Cuba, một nước còn khó khăn, nhưng với chính sách lấy nhân dân làm trung tâm, đã xây dựng được nền y khoa tiên tiến với hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí cho mọi người dân từ năm 1976.

Nhưng mọi chính sách lớn, mang tính đột phá đều đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là với một tham vọng lớn như miễn viện phí toàn dân. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Nguồn lực tài chính dành cho y tế sẽ lấy từ đâu; Chất lượng y tế công liệu có suy giảm nếu các bệnh viện không còn nguồn thu chủ chốt; Chính sách sẽ được thiết kế ra sao để tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội; hay làm thế nào để tối ưu cơ chế quản lý, giám sát, tránh tình trạng lạm dụng chính sách.

Thực tế thế giới cho thấy không phải chính sách "vì dân" nào cũng đạt được mục tiêu mong muốn ban đầu. Tình trạng vận động hành lang, tác động từ nhóm lợi ích để tạo "kẽ hở" hay "cửa sau" trong luật là điều thường gặp ở nhiều nơi. Khi một chính sách bị thao túng, các cơ hội và nguồn lực xã hội sẽ bị lợi dụng để mang lại lợi ích lớn cho một nhóm nhỏ.

Bài học từ các nước đã triển khai miễn phí y tế thành công là nguồn tham khảo quý để trả lời nhiều khía cạnh trong các câu hỏi trên.

Tôi hiểu khó khăn còn bộn bề, nhưng mục tiêu miễn học phí và viện phí không đơn thuần là chính sách an sinh, mà có thể là chủ trương mang tính chiến lược. Bởi phát triển nguồn vốn con người hiệu quả chính là nền tảng của phát triển bền vững.

Bùi Mẫn

Tin liên quan
Tin Nổi bật