Truyền nước biển có giúp nhanh khỏi sốt xuất huyết không?

29/03/2025
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Vaccine Vaccine Người Lớn
Truyền nước biển có giúp nhanh khỏi sốt xuất huyết không?

Người mắc sốt xuất huyết thường gặp tình trạng thiếu nước và điện giải do sốt cao gây vã mồ hôi. Bên cạnh đó, virus cũng gây ra hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch và huyết tương dẫn đến giảm thể tích, cô đặc máu khiến oxy khó vào não, gây đau đầu và nhức mỏi cơ thể.

Người bệnh cần bù nước, điện giải hợp lý qua đường uống như dung dịch Oresol, nước ép trái cây hoặc đường truyền nếu bệnh nhân không ăn uống được, hạ huyết áp, nôn ói nhiều.

Tuy nhiên, việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế theo sự chỉ định của bác sĩ và giám sát của nhân viên y tế. Bệnh nhân không nên tự ý truyền dịch tại nhà bởi nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng thậm chí sốc phản vệ với thành phần có trong dịch truyền trong khi không đủ phương tiện, thuốc và nhân lực xử trí cấp cứu.

Ngoài ra, việc truyền dịch không kiểm soát liều lượng đúng như quá nhanh hoặc quá nhiều có thể gây quá tải dẫn đến suy tim, phù phổi cấp, tăng nguy cơ tử vong.

Với trường hợp đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh nên ăn uống đủ chất, bổ sung nước ép trái cây, rau củ quả và dung dịch Oresol, đồng thời theo dõi các dấu hiệu bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sốt xuất huyết thường trở nặng ở giai đoạn giảm sốt hoặc hết sốt, từ ngày 3 đến ngày thứ 7. Nếu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng vùng hạ sườn phải, bứt rứt, vã mồ hôi, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường..., cần nhập viện để được thăm khám, cấp cứu kịp thời.

Truyền nước biển để mau khỏe khi sốt xuất huyết là quan niệm chưa đúng. Ảnh: Vecteezy

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người qua vết đốt của muỗi vằn cái mang virus, chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng nặng như hạ tiểu cầu, xuất huyết ồ ạt, cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, suy tim cấp, rối loạn điện giải, suy đa tạng và tử vong.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cách phòng bệnh hiệu quả là tiêm vaccine, được Bộ Y tế, CDC Mỹ và WHO khuyến cáo. Vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hơn 90%.

Hiện Việt Nam đã có vaccine sốt xuất phòng ngừa cả 4 type huyết thanh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4, tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 3 tháng, không yêu cầu xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết trước khi tiêm vaccine. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng, tốt nhất 1 tháng trước khi mang thai.

Một người có thể mắc cả 4 type huyết thanh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Lần mắc sau, nguy cơ nặng hơn lần trước. Vì vậy, sau khi khỏi bệnh 6 tháng, người bệnh nên cân nhắc tiêm vaccine.

Bác sĩ Phan Nguyễn Trường GiangQuản lý Y khoa Vùng 3 - Mekong, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.

Tin liên quan
Tin Nổi bật